Rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì không thể hiểu nổi về ngôn ngữ của con cái mình.

Không chỉ dừng ở những tiếng lóng như "chuối, mít ướt, leng keng, bùn, khoái lém", ngôn ngữ của thế hệ 9x ngày nay đã "tiến một bước dài" đến nỗi người lớn khó mà đọc trôi chảy. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh "bó tay" không thể dịch nổi những dòng nhắn trên máy điện thoại, trên máy tính của con mình.

Dịch…  tiếng Việt!

Một thời, người ta đã "choáng" với ngôn ngữ 8X kiểu như: Đúng roài (đúng rồi), bùn (buồn), chảnh (kiêu căng), khoái lém (khoái lắm), hic hic (thể hiện trạng thái buồn), thik (thích), xưa rồi Diễm ơi (chỉ chuyện đã cũ lắm), chuối (hành động nhàm chán không đâu vào đâu), sến (tình cảm ướt át), dở hơi ăn cám lợn (kỳ cục) v.v... Những cách nói chệch đi ấy phần nào vẫn còn dễ suy luận.

Nhưng với ngôn ngữ 9X hiện nay thì không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả nhiều người thuộc thế hệ 7X hoặc người sinh vào những năm đầu thập niên 80 cũng phải "căng đầu" suy nghĩ mới hiểu na ná nội dung tin mà 9X muốn nhắn gửi.

Một tin nhắn với ngôn ngữ tiếng lóng của 9X.

Anh N.T.T sinh năm 1980 ở Cầu Diễn, Hà Nội đang theo đuổi một cô gái trẻ sinh năm 1989 kể: "Tuy cùng thế hệ 8X nhưng mình thuộc hàng "lão làng" sinh vào đầu thập niên, thực ra cách nói năng của thế hệ mình giống với 7X hơn nên nhiều khi người yêu nhắn mà phải luận mãi mới hiểu được. Những tin nhắn kiểu như: E hem bit nua, pun pun a wua nha e di, hoặc như Hum ni hok bit lèm j, đg ngồi pùn, a wua e di... thì nói thật là tôi cũng chỉ hiểu na ná nghĩa của nó mà thôi, chứ không thể dịch nội dung một cách đúng nghĩa được. Mấy lần định hỏi nhưng sợ cô ấy cười là... quê nên thôi. Đành bấm bụng mà học dần ngôn ngữ của nàng".

Rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng vì không thể hiểu nổi về ngôn ngữ của con cái mình. Tuy nhiên, theo nhiều nhà tâm lý, người lớn cũng không nên quá khắt khe gây ức chế cho các em, ép các em sống ngược với tuổi trẻ của mình. Điều quan trọng là phải xác định được cho các em giới hạn giữa cách nói vui thông thường và thô tục, đồng thời hạn chế tối đa những cách nói xiên xẹo khỏi ngôn ngữ thông thường.

Theo bật mí của cô gái sinh năm 1990 tên P.A ở Khương Trung, Hà Nội: Cách nói chệch đi của giới trẻ đều có những quy đổi về ngữ nghĩa. Ví như: "thía" thay cho "thế", "hok" thay cho "không", bit - biết, lèm - làm, j - gì, kam - cám, kug - cũng, lm - làm, kom - cơm, ak - ạ, hum ni - hôm nay, hok bit gì mờ bì đek - không biết gì mà bày đặt, ngồi pùn hem bik lèm j - Ngồi buồn không biết làm gì, bik oj mì đến đéy rùi đợi tau - biết rồi, mày đến đó rồi đợi tao v.v...

Ngoài cách viết tắt này, giới trẻ còn tận dụng tối đa các biểu tượng hoặc ký tự, dấu câu và con số trên bàn phím để làm thông điệp cho nhau mà có "lỡ" bị phụ huynh đọc được thì cũng "bó tay" không dịch nổi. Cô gái P.A cũng tiết lộ, về cơ bản, quy tắc dùng tiếng lóng của các bạn tuổi "teen" là giữ nguyên chữ cái đầu rồi nói chệch đi các nguyên âm, phụ âm đi sau. Ví như như "hok" là hông, "bit" là biết, "ah" nghĩa là à, ko nghĩa là không, "of" được hiểu là của, "at" được hiểu là với, "thik" nghĩa là thích, "bih" nghĩa là bây giờ, "en" có nghĩa là ăn, "wa" được hiểu là quá, "thía" thay cho từ thế.

Những dấu như @, $, /, * thường được giới trẻ dùng khi muốn biểu lộ cảm xúc vui, buồn nào đó. Khi nội dung tin có biểu tượng $_$ thì có nghĩa là vui như được tiền, 8_0 có nghĩa là... bị sốc, # # # nghĩa là thăng rồi, $%  phải hiểu là thật 100%.

Bó tay với  "ngôn ngữ 9x" Tây - Ta…

Tuy nhiên, những ngôn ngữ trên vẫn thuộc loại "thuần Việt", dù không hiểu trơn tru ngữ nghĩa của từng từ thì vẫn có thể suy ra được phần nào nội dung. Nhưng với thứ ngôn ngữ pha tạp Anh - Việt lẫn lộn thì người lớn quả thực là "bó tay" không thể hiểu nổi nếu không  được giải thích.

Những ngôn ngữ một thời "đình đám" của thế hệ 8X như Like afternoon - thích thì chiều, Know die no - biết chết liền, No four go - vô tư đi, dường như trở nên "lạc hậu" so với ngôn ngữ của thế hệ 9X bây giờ. Nhiều phụ huynh "toát mồ hôi hột" khi đọc được dòng tin nhắn trên máy con gái: "E hem bit nua, pun pun a wua nha e di. Ilu".

Chị Phạm Huệ Anh là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội đã phải điện thoại đến Trung tâm tư vấn tâm lý "Người bạn tri kỷ" khi thấy trên máy điện thoại của cô con gái lớn dòng chữ: "Ilu, Sul, G9" thì mới biết lớp trẻ bây giờ có trào lưu sử dụng ngôn ngữ "riêng", pha trộn lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Sau khi chép lại dòng tin và nhờ cô cháu gái ruột sinh năm 1992 giải nghĩa hộ thì chị mới tá hỏa khi biết nghĩa thực của dòng chữ "Ilu, Sul, G9" là: "I love you, see you later, good night" dịch ra tiếng Việt là: Em yêu anh, hẹn gặp lại anh sau, chúc ngủ ngon nhé!.

Có rất nhiều cách để giới trẻ thể hiện cái Tôi.

Cậu thanh niên N.H.N, sinh năm 1993 ở Lò Đúc, Hà Nội bật mí:  Để tránh bị phụ huynh kiểm soát, nhiều bạn trẻ đã ngầm thỏa thuận với nhau những qui ước để đổi chữ cái tiếng Việt sang thành con số. Phụ huynh đọc được thì cũng chịu không luận nổi hàng dãy dài những con số như một phép toán học nào đó. Ví như chữ cái A được viết tắt thành số 1, chữ cái B được viết tắt thành số 2, chữ cái C được viết tắt thành số 3. Hoặc khi muốn gửi thông điệp "hài thế" thì viết số 2 với dấu huyền ở trên, chữ "lắm" thì viết thành số 5 với dấu sắc ở trên.

Thậm chí, giới trẻ 9X còn viết tắt cả tiếng Anh như chữ hello, hi (xin chào) thì được quy đổi thành số "2", U là viết tắt của chữ you (anh), "G9" là viết tắt chữ "good night". Nếu một ngày nào đó, phụ huynh thấy trên máy của con mình có dòng tin nhắn chỉ gồm 3 chữ cái đơn giản là "ILU" thì có nghĩa là anh yêu em hoặc em yêu anh (I Love U). Nếu là dòng chữ ILU, SUL, G9 thì thông điệp ấy được hiểu là: Anh yêu em, hẹn gặp lại em, chúc em ngủ ngon (I Love you, see you later, good night). Hoặc đơn giản hơn một chút là chữ "pls" chính là viết tắt của từ please trong tiếng Anh, thì được giới trẻ hiểu ngầm với nhau là "làm ơn đi mà" hoặc "thôi mà, xin em đấy" .

Không chỉ có vậy, một bộ phận 9X bây giờ thậm chí còn dùng tiếng Anh theo kiểu "độc" mà bất cứ vị phụ huynh nào dù có biết khá nhiều về tiếng Anh cũng phải "choáng". Ví như câu nói cửa miệng của nhiều cậu thanh niên hiện nay là "No have water mother", sẽ phải được hiểu theo kiểu dịch từng từ với nghĩa là: "Chẳng có nước m. gì". Hoặc câu "truyền thống" của nhiều thanh niên "Give me beg a word soldier black peace" mà giới 9X giải nghĩa ra là "Cho tôi xin một chữ binh huyền (bình) yên"!.

Tạo ấn tượng khác người cũng là cách thể hiện bản lĩnh của giới trẻ.

Có hẳn trang web về tiếng… lóng

Không những thế, hiện trong một bộ phận giới trẻ còn tự làm mới ngôn ngữ ngay trong chính những câu giao tiếp hàng ngày là dùng các loại tính từ, danh từ, động từ để nhấn mạnh hoặc với dụng ý tạo tính hài hước cho cuộc giao tiếp của mình. Đó là những từ như a kay (chỉ sự cay cú), chim cú (sự cay cú), cá trê (chê bai, từ chối điều gì đó), xà lách tởm (đi xe luồn lách trên đường), buồn như con chuồn chuồn, chán như con gián, nhỏ như con thỏ, mày đớp chưa, cô em kia ngon chưa v.v... Những câu nói gần như phổ biến trong đại bộ phận giới trẻ như: Đồ kẹo kéo, thằng đó kẹo lắm, sao mày kẹo thế - đều để chỉ sự kiệt sỉ, ki bo; phim "số em xui" thì được giải nghĩa là phim sex (phim liên quan đến tình dục).

Tiếng lóng có những thuật ngữ không hề có trong từ điển Tiếng Việt.

Không chỉ dừng ở trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, trong tin nhắn, trong trò chuyện trên mạng mà tiếng lóng còn được "cổ súy" bằng cả một trang web chuyên về tiếng lóng với tiêu chí "định nghĩa những câu, từ thuộc ngôn ngữ Việt Nam nhưng không có trong từ điển tiếng Việt" - đó chính là tiếng lóng.

Trang web này hiện có tới 2.207 số lượng từ lóng trên 222 mục từ và có hẳn một mục luôn cập nhật những từ lóng mới nhất trên giao diện trang chủ. Trên giao diện cập nhật 20 từ lóng mới nhất thời điểm này có những từ như: Tàn đời cô Lựu (chỉ những người bị dồn tới bước đường cùng không còn tìm được lối thoát), kệ mẹ thằng Vệ (chỉ những người cái tôi cá nhân quá lớn), ha oai nghĩa là tinh tướng, lợn rừng (dừng lại đi); hay như từ "quần" cũng được giải nghĩa tiếng lóng là một từ bậy để chửi, giống như "thằng l., "thằng hà", "thằng bựa"...

99 từ lóng ngẫu nhiên cũng được cập nhật trên trang web này như: Dạt vòm, tả, hàng độc, hoành tá tràng, úp nơm, tắc tị, bồ kết, cạch, móm, đụng hàng, sò, dẹo, thiếu iod, ăn tạp, ộp pa, trả bài, bóc tem... Với số lượng "chuyên gia tiếng lóng" lên tới 1.141, dường như trang web này ngày càng trở nên phổ biến trong cộng đồng cư dân mạng.

Sự "sáng tạo" trong ngôn ngữ này thực chất đã đóng một vai trò quan trọng giúp những người trẻ cảm thấy xích lại gần nhau hơn, tạo cảm giác mới mẻ cho những người trong cuộc. Ngôn ngữ lóng thường được sử dụng trong blog, chat, nhắn tin qua điện thoại di động... Tuy nhiên, càng ngày những ngôn ngữ dạng này càng trở nên phổ biến trong giao tiếp hàng ngày và nhiều người ở giới trẻ đang dùng những ngôn ngữ đó theo cách thô tục.

Lã Xưa

Theo Gia đình